Tuyên truyền

Đảng bộ  »  Tuyên truyền


Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ VÕ CHÍ CÔNG
CỔ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
(7/8/1912 – 7/8/2012)


I.Tóm tắt về thân thế, sự nghiệp của đồng chí Võ Chí Công
          Đồng chí Võ Chí Công tên khai sinh là Võ Toàn, sinh ngày 7-8-1912, tại thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành), tỉnh Quảng Nam. Thân phụ là ông Võ Nghiệm (tức Võ Đường), một nhà nho yêu nước, một đảng viên cộng sản, được Đảng, Nhà nước truy tặng Liệt sĩ. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Thân, một cơ sở cách mạng tin cậy của Đảng, được Đảng Nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.
          Sinh ra và lớn lên trong một gia đình yêu nước, cách mạng, ở một vụng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước chống giặc ngoại xâm, với nhiều chí sĩ nổi tiếng, như: Hoàng Diệu, Trân Quý Cáp, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thành, Huỳnh Thúc Kháng, v.v, người thanh niên yêu nước Võ Chí Công đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên yêu nước ở cơ sở những năm 1930-1931. Tháng 5-1935, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (Đảng Cộng sản Việt nam ngày nay).
          Năm 1936, đồng chí làm Bí thư chị bộ ghép (một số xã thuộc Tam Kỳ). Năm 1939, làm Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ. Tháng 3-1940, làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1941, đồn chí được cử vào xứ ủy Trung Kỳ, phụ trách các tỉnh từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Phú Yên. Năm 1942, đồng chí được phân công vào gây dựng cơ sở tại các tỉnh vùng Nam Trung Bộ. Năm 1943, đồng chí bị địch bắt, bị kết án chung thân, sau đó giảm xuống 25 năm tù, giam ở nhà lao Hội An, sau bị đày đi nhà tù Buôn Mê Thuột. Tháng 3-1945, sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp, đồng chí được ra tù, trở về Quảng Nam tiếp tục hoạt động cách mạng, làm Trưởng ban khởi nghĩa tỉnh, chỉ huy cướp chính quyền ở Quảng Nam.
         Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, đồng chí là ủy viên Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng; Chính trị viên Trung đoàn 93. Năm 1946, làm Phó ban Tổ chức cán bộ và Thanh tra quân khu V. Năm 1951, làm Bi thư Ban cán sự Đông Bắc Miên (Campuchia), Khu ủy viên khu V. Năm 1952, làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng.
          Đầu năm 1954, đồng chí ra Bắc và được phân công là đoàn ủy viên cải cách ruộng đất ở khu Việt Bắc. Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đồng chí được phân công trở lại khu V làm Phó Bí thư Khu ủy khu V (1955 - 1958). Tháng 9-1960, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, làm Bí thư Khu ủy khu V. Năm 1961, khi Trung ương Cục miền Nam được thành lập, đồng chí được Bộ Chính trị điều động vào Nam Bộ làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Tháng 3-1962, tại Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và là đại diện của Đảng trong Mặt trận. Tháng 1-1964, Bộ Chính trị điều động đồng chí về khu V, vẫn làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Bí thư và Chính ủy khu V. Sauk hi miền Nam giải phóng hoàn toàn (1975), đồng chí là Phó Ban đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam, phụ trách khu V. Năm 1976, đồng chí được cử giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản.
          Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12-1976), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Năm 1978, đồng chí làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng Ban cải tạo Nông nghiệp miền Nam. Tháng 4-1981, đồng chí được cử giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tháng 3-1982, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư và được phân công làm Thường trực Ban Bí thư. Tháng 6-1986, đồng chí được phân công giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và tham gia Đảng ủy Quân sự Trung ương. Tháng 4-1987, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, đồng chí được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng.
         Đồng chí là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (6-1991) và khóa VIII (6-1996) đến Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (12-1997). Đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, và VIII. Đồng thời từ trần ngày 8-9-2011, tại thành phố Hồ Chí Minh.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Võ Chí Công được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều Huân chương, Huy chương cao quý khác.
II. Những hoạt động và đóng góp quan trọng của đồng chí Võ Chí Công đối với Cách mạng Việt Nam
1.Những đóng góp quan trọng của đồng chí Võ Chí Công đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc
         Tháng 3 năm 1945, từ nhà tù Buôn Mê Thuột trở về, đồng chí Võ Chí Công tham gia ngay vào Ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh Quảng Nam, làm Trưởng Ban khởi nghĩa, trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ở Hội An. Với kế hoạch hành động hết sức linh hoạt và sáng tạo, như: gửi thư đòi Tỉnh trưởng giao chính quyền cho cách mạng; cử cán bộ di sâu vào cơ sở của địch để vận động binh biến; tổ chức quần chúng biểu tình bao vây đồn bốt và các cơ quan đầu não của địch, trấn áp bọn ngoan cố, v.v… Trước khí thế áp đảo của quần chúng,chính quyền tay sai ở Hội An tan rã nhanh chóng, ta hoàn toàn làm chủ tỉnh lụy ngay trong ngày 17-8-1945. Sau đó, các huyện trong tỉnh Quảng Nam lần lượt giành được chính quyền.
         Bằng nhiều biện pháp, đồng chí Võ Chí Công đã cùng Ban lãnh đạo khởi nghĩa giành được thắng lợi trong tỉnh một cách nhanh chóng. Quảng Nam trở thành một trong 4 tỉnh giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất trong cả nước.
         Sau khi Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, đồng chí Võ Chí Công đã cùng Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời trực tiếp chỉ đạo xây dựng chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang ở Quảng Nam – Đà Nẵng.
         Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Liên khu V, lãnh đạo nhân dân Liên khu V kiên cường chiến đấu, tăng gia sản xuất, chia lửa với chiến trường chính Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
         Được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng Campuchia, trên cương vị Bí thư Ban cán sự  Đông Bắc Miên, đồng chí đã cùng đồng chí của mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cương vị là Bí thư khu ủy Kiêm Chính ủy Quân khu V, đồng chí đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, kiên trì bám đất, bám dân, luôn đi sát cơ sở, sát phong trào, tổ chức chỉ đạo quân và dân Liên khu V chiến đấu không lùi bước, giành được nhiều thắng lợi to lớn.
        Trải nghiệm, tôi luyện trong thử thách, trong thực tế lãnh đạo, điều hành các cấp, với tác phong sâu sát quần chúng, với bản lĩnh cách mạng và tài trí kiên cường, đồng chí đã có những đề xuất với Trung ương nhiều vấn đề có tình chiến lược về con đường của cách mạng miền Nam, đóng góp vào việc xây dựng dự thảo Nghị quyết Trung ương 15 lịch sử, mở ra bước ngoặt lớn cho cách mạng miền Nam.
Sau phong trào Đồng Khởi thắng lợi, trên cương vị là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã xuống nhiều địa phương của Nam Bộ nghiên cứu, khảo sát, đúc kết kinh nghiệm để phổ biến cho toàn miền Nam chống bình định, phá ấp chiến lược, chống chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận của địch trong Chiến tranh Đặc biệt.
         Đồng chí được Bộ Chính trị điều động về khu V – một chiến trường cực kỳ gian khổ, ác liệt, nơi Mỹ đổ bộ những đơn vị quân viễn chinh đầu tiên để triển khai Chiến tranh Cục bộ, trong đó Thành phố Đà Nẵng cùng với Chu Lai trở thành một trong những căn cứ liên hiệp quân sự lớn nhất ở miền Nam. Khu ủy khu V dưới sự lãnh đạo của đồng chí, đã quyết định đánh trận phủ đầu quân viễn chinh Mỹ ở cứ điểm Núi Thành, tiêu diệt gọn một đại đội địch, mở ra khả năng quân và dân ta có thể đánh và thắng Mỹ trong chiến tranh. Với chiến thắng Núi Thành, quân dân Quảng Nam được Ủy ban Trung ương Mặt trận  Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu “Quảng Nam trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”.
         Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của đồng chí Võ Chí Công và Khu ủy khu V, quân ta đã tiến công vào các thành phố, thị xã đạt được mục tiêu rồi nhanh chóng rút về căn cứ, nên đã bảo toàn được lực lượng, ít bị thiệt hại so với những nơi khác.
         Hiệp định Pari được ký kết năm 1973, Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Là người trực tiếp lãnh đạo trên chiến trường, từ sự  chỉ đạo chiến lược của Trung ương, từ kinh nghiệm thực tiễn, đồng chí và lãnh đạo khu ủy khu V xác định: sẽ không có hòa bình ngay, kẻ địch còn tiếp tục đánh phá, phá hoại Hiệp định. Đồng chí coi trọng lãnh đạo công tác tư tưởng, xốc lại đội ngũ, kiên quyết tiến công địch, giành đất, giành dân, xây dựng  thực lực về mọi mặt, góp phần đẩy nhanh sự suy yếu của ngụy quân, ngụy quyền.
        Tháng 3-1975, Bộ Chính trị chủ trương tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ, quyết tâm giải phóng miền Nam. Đồng chí Võ Chí Công đã tích cực chuẩn bị về mọi mặt cho chiến dịch, tham gia chỉ đạo đánh mở màn vào Ban Mê Thuột, giải phóng toàn bộ vùng đất chiến lược Tây Nguyên, làm cho quân địch choáng váng, tháo chạy về Đà Nẵng cố thủ. Nắm bắt thời cơ mới xuất hiện, đồng chí đề xuất ý kiến với Bộ Chính trị, chớp thời cơ tiến công giải phóng Đà Nẵng sớm hơn kế hoạch đã định. Thắng lợi ở Tây Nguyên và Đà Nẵng góp phần tạo thế và lực to lớn cho toàn quân, toàn dân ta giải phóng Sài Gòn, đánh thắng ý đồ kéo dài chiến tranh của Mỹ, ngụy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
        Gần 30 năm lãnh đạo quân dân Quảng Nam – Đà Nẵng và khu V chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Võ Chí Công đã có nhiều đóng góp quan trọng và sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Những mốc son trên con đường hoạt động cách mạng thời kỳ này của đồng chí đã được ghi vào lịch sử của Đảng ta, tô đậm trang sử kháng chiến oai hùng của quân và dân Nam Trung Bộ.
2. Đồng chí Võ Chí Công – Nhà lãnh đạo tài năng, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới đất nước
         Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, đồng chí Võ Chí Công được điều ra Trung ương công tác; được Đảng tín nhiệm cử giữ nhiều trọng trách: Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp quan trọng, xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới đất nước.
         Khi giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản, trong tình hình kinh tế bao cấp, Nhà nước không đủ xăng dầu, phương tiện sản xuất cho ngành hải sản hoạt động. Nhận rõ được ưu thế đất nước có bờ biển dài, nhiều tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản, đồng chí đã xuống các cơ sở quốc doanh, các hợp tác xã nghề các lâu năm để nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân của sự trì trệ, thua lỗ. Đồng chí đề xuất với Chính phủ những giải pháp thiết thực, giải quyết khó khăn cho ngành hải sản, thực hiện cơ chế tự quản để phát triển sản xuất, Nhà nước xóa bỏ bao cấp. Do có sự đổi mới về quản lý và cách tổ chức, ngành hải sản đã từng bước vươn lên trở thành một ngành quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
        Khi phụ trách ngành nông nghiệp – công việc mới mẻ, phức tạp và rất nặng nề đối với đồng chí – một người quen chỉ đạo trong thời kỳ chiến tranh, ngày đêm đồng chí trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, làm thế nào để tháo gỡ khó khăn của hàng triệu nông dân trong các hợp tác xã. Với tác phong sâu sát cơ sở, đồng chí đã đi xuống nhiều hợp tác xã nắm tình hình, ra tận đồng ruộng gặp bà con xã vieen hỏi thăm công việc sản xuất. Đồng chí đã thấy nhiều hợp tác xã thực hiện khoán đến nhóm và người lao động, đem lại hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho xã viên, như Thổ Tang (Vĩnh Phúc), Đồ Sơn (Hải Phòng), Hà Nam, v.v. Từ thực tế đó, đồng chí đã đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhận trách nhiệm chỉ đạo dự thảo Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm trong hợp tác xã nông nghiệp đến nhóm và người lao động. Chỉ thị 100 của Ban Bí thư ra đời là bước đột phá quan trọng trong nông nghiệp; phù hợp với lòng dân và được nhân dân phấn khởi đón nhận. Trên cơ sở tổng kết Chỉ thị 100, Trung ương đã ra Nghị quyết 10 (1988) về đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, tạo động lực mới trong sản xuất, làm tăng năng suất và sản phẩm lao động, đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực đến đủ ăn và từng bước có dư để xuất khẩu.
          Không dừng lại ở sự đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, đồng chí Võ Chí Công đã phát triển tư duy của mình để đóng góp cho Đảng, Nhà nước về đổi mởi cơ chế quản lý kinh tế chung của đất nước. La Trưởng Ban nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đồng chí đã tích cực xuống các cơ sở kinh tế, mở nhiều cuộc hội thảo, tập hợp ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các viện nghiên cứu. Sau đó, hoàn thiện trình Bộ Chính trị ra Nghị quyết 306 về phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của đơn vị kinh tế (bao gồm cả nông nghiệp, công nghiệp và phân phối lưu thông).
Sự thành côn của cơ chế khoán trong nông nghiệp và đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, có sự đóng góp to lớn của đồng chí Võ Chí Công, góp phần quan trọng để Đảng ta đề ra đường lối đổi mới đất nước một cách đúng đắn, vững chắc.
          Khi làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào đổi mới hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là công tác lập hiến và lập pháp. Trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, sự góp ý của Hội đồng Nhà nước, đồng chí Võ Chí Công đã cùng Ủy ban tập hợp ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân; tập trung được nhiều chuyên gia; nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng Hiến pháp của một số nước, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam; kiên trì đấu tranh với những quan điểm sai trái trong việc sửa đổi Hiến pháp, giữ vững những điều cơ bản về dân chủ, về pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp sửa đổi năm 1992 – Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, được Trung ương Đảng, Quốc hội thông qua, đánh dấu mốc lịch sử về công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng hệ thống pháp luật, quản lý mọi mặt hoạt động của đất nước. Trong thành công chung đó có sự đóng góp rất quan trọng của đồng chí Võ Chí Công.
         Là Cố vẫn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Võ Chí Công đã tích cực góp ý kiến với Đảng và Ban Chấp hành Trung ương trong những vấn đề lớn, quan trọng về tăng cường sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
3. Tấm gương người cộng sản mẫu mực
         Gần 80 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời của đồng chí Võ Chí Công gắn liến vời sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Đồng chí là tấm gương cao đẹp của một người cộng sản mẫu mực, là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân.
         Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, được đào luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ kể cả những lúc bị địch bắt, tù đày, đồng chí Võ Chí Công vẫn một lòng trung thành với Đảng, với lý tưởng cộng sản, không sợ hy sinh gian khổ với nghị lực phi thường của người cộng sản, Đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước.
         Trong công tác, đồng chí luôn thể hiện rõ tư duy độc lập, sáng tạo của một nhà lãnh đạo ở tầm chiến lược. Đồng chí vừa là người lãnh đạo, vừa là người tổ chức, vừa là người hoạt động với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, mẫu mực; phong cách làm việc khoa học, tỉ mỉ, có nguyên tắc nhưng không máy móc mà hết sức linh hoạt; luôn tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân; phấn đấu không mệt mỏi xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; đem hết trí tuệ, sức lực để hoàn thành tốt mọi công việc Đảng và nhân dân giao phó.
Trong sinh hoạt, đồng chí luôn thể hiện tác phong sinh hoạt bình dị, gần gũi mọi người, chân thành, thẳng thắn, thân ái, chu đáo luôn quan tâm đến đồng chí, đồng đội và nhân dân, luôn chăm lo giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ. Đồng chí là người lãnh đạo được nhân dân tôn trọng, quý mến.
          Đồng chí Võ Chí Công là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, với các phẩm chất tiêu biểu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sống có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. Tình thương yêu con người của đồng chí được hòa quyện với tình yêu quê hương, đất nước. Đồng chí Võ Chí Công đã để lại cho chúng ra hình ảnh về một nhà lãnh đạo đức độ, một nhà hoạt động thực tiễn phong phú, một chiến sĩ cách mạng tài trí kiên cường, suốt đời hy sinh phấn đấu phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Hình ảnh của đồng chí sống mãi trong trái tim mỗi người Việt Nam yêu nước.
          Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đồng chí Võ Chí Công, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện bước tiếp con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đòng chí lãnh đạo tiền bối đã chọn, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực tiễn bằng được mục tiêu cao cả: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững chắc đi lên chủ nghĩa xã hội.

 


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  1,087,470       1/692