Hỗ trợ cộng đồng

Khoa Dược  »  Nghiên cứu khoa học  »  Hỗ trợ cộng đồng


Béo phì (phần 2)

 

 7. PHÂN LOẠI BÉO PHÌ

  • Béo phì dạng nam (béo phì phần trên cơ thể, béo phì kiểu bụng, béo phì hình quả táo, béo phì trung tâm)
  • Béo phì dạng nữ (béo phì phần dưới cơ thể, béo phì hình quả lê)
  • Béo phì hỗn hợp

Mỡ phân bố khá đồng đều. Các trường hợp quá béo phì thường là béo phì hỗn hợp.

Hình 4. Đặc điểm béo phì dạng nam và dạng nữ

8. BIẾN CHỨNG CỦA BÉO PHÌ

Nhiều nghiên cứu cho thấy có sự tương quan rất có ý nghĩa giữa béo phì dạng nam và các biến chứng chuyển hoá như đái tháo đường, tăng lipid máu, bệnh sinh xơ vữa động mạch, gút...

 

Hình 5. Các biến chứng của béo phì

 

Hình 6. Vai trò của béo phì trong hội chứng chuyển hóa

Biến chứng về chuyển hoá

  • Chuyển hoá glucid: có tình trạng kháng insulin, tăng tiết insulin, phát hiện qua nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống bị rối loạn, dễ dẫn đến bệnh đái tháo đường.
  • Chuyển hoá lipid: triglycerid huyết tương thường tăng trong béo phì, tăng VLDL. 
  • Chuyển hoá acid uric: acid uric máu thường tăng. 

Vai trò của béo phì trong hội chứng chuyển hoá được mô tả trong hình 6.

Biến chứng tim mạch: Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ cho bệnh lý tim mạch.

  • Tăng huyết áp (THA): liên quan chặt chẽ giữa béo phì và THA, tần suất THA tăng trong béo phì bất kể nam hay nữ. Huyết áp giảm khi giảm cân. Cơ chế THA trong béo phì chưa rõ hết, ngoài xơ vữa động mạch hay gặp, còn có giả thuyết do tăng insulin máu và đề kháng insulin, làm tăng hấp thu natri ở ống thận và tăng tiết catecholamin làm co mạch.
  • Suy mạch vành: thường gặp
  • Các biến chứng khác như suy tim trái, tai biến mạch máu não.

Biến chứng ở phổi

  • Giảm chức năng hô hấp do lồng ngực di động kém.
  • Hội chứng Pickwick: ngưng thở khi ngủ.
  • Tăng hồng cầu, tăng CO2 máu.

Biến chứng về xương khớp

 Tại các khớp chịu lực cao (khớp gối, khớp háng, cột sống) dễ bị đau, thoái khớp.

 Thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống hay gặp. Các biến chứng này tăng lên ở phụ nữ mãn kinh.

Biến chứng về nội tiết

  • Tăng insulin máu và đề kháng insulin ở đái tháo đường type 2.
  • Chức năng nội tiết sinh dục: giảm khả năng sinh sản. Chu kỳ kinh kéo dài không phóng noãn. 

Các biến chứng khác

  • Nguy cơ ung thư gia tăng: ung thư tử cung, vú, đại tràng, tiền liệt tuyến.
  • Biến chứng tăng nặng lên do béo phì:
  • Gan mật: sỏi mật, gan nhiễm mỡ.
  • Thận: tắc tĩnh mạch thận, protein niệu.
  • Sản khoa: nhiễm độc thai nghén, sinh khó, mổ lấy thai tăng.
  • Da: rạn da, nấm kẽ, tăng sừng hoá gan bàn chân, bàn tay.

9. ĐIỀU TRỊ

9.1 Nguyên tắc chung

- Can thiệp lối sống là nền tảng đảm bảo duy trì giảm cân bền vững, an toàn bao gồm các biện pháp can thiệp dinh dưỡng, tập luyện thể lực, thay đổi hành vi, hỗ trợ tâm lý.

- Điều trị bằng thuốc khi can thiệp lối sống trong 3 tháng không giúp giảm được 5% cân nặng, người bệnh có BMI ≥ 25 kg/m2

Quản lý các bệnh đồng mắc, cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe của bệnh nhân.

 

Hình 7. Hướng dẫn theo dõi và điều trị bệnh béo phì

9.2 Tiết thực giảm trọng lượng

Tiết thực giảm calo, giảm mỡ... Khi không có thức ăn đưa vào, năng lượng được rút ra từ mô mỡ dự trữ là 1500-3000 kcal. Mỡ cơ thể chứa 7500 kcal/kg. Với cân bằng calo âm tính 1500 kcalo/ngày, thì sẽ làm giảm trọng lượng cơ thể 1 kg mỗi 5 ngày. Làm giảm trọng lượng khoảng từ 0,5-1 kg/tuần là thích hợp cho một tiết thực giảm trọng lượng.

Chế độ ăn cho người béo phì:

Hạn chế chất béo và ngọt như mỡ, bơ, thịt ba chỉ, nước luộc thịt, các thực phẩm chế biến sẵn như thịt hộp, xúc xích, nước ngọt, bánh ngọt... hạn chế món quay, xào, nên làm các món luộc, hấp, rau trộn salat...

Chế độ ăn cần đủ chất đạm, vitamin, khoáng chất, tuy nhiên với khẩu phần ăn thấp năng lượng dễ thiếu vi khoáng, nên uống sữa ít béo, thấp năng lượng nhưng giàu dưỡng chất cần thiết, nếu cần có thể bổ sung viên multivitamin và khoáng chất.

Tǎng cường rau, trái cây không ngọt và thực phẩm giàu chất xơ. Nên đưa vào thực đơn các loại trà xanh, cam, gừng, tỏi, ớt ngọt ... giúp tăng cường đốt cháy chất béo trong cơ thể. Uống đủ nước 2 - 2,5 lít/ ngày.

Ăn chậm, nhai kỹ, ǎn uống điều độ, không ăn quá no trong một bữa, tránh bữa phụ buổi tối, không bỏ bữa ăn sáng.

Cách tính thực đơn dành cho người béo muốn giảm cân được tính theo cân nặng lý tưởng:

Cân nặng lý tưởng (CNLT) = (chiều cao)2 (m2) × 22

Chế độ ăn:

Lao động nhẹ = CNLT × (20 - 25 calo)

Lao động trung bình = CNLT × (25 - 30 calo)

Lao động nặng = CNLT × (30 - 35 calo)


 

Hình 8. Tháp dinh dưỡng hàng ngày giúp kiểm soát cân nặng

9.3 Hoạt động thể lực và tập thể dục

Hình 9. Các hoạt động thể lực giúp giảm cân

 Cường độ tập luyện

Nên thực hiện các bài tập cường độ trung bình ít nhất 150 phút mỗi tuần, 3 đến 5 lần một tuần, bắt đầu bằng bài tập cường độ thấp, tăng dần cường độ và số lượng tập thể dục theo mức độ thể dục cá nhân. 

Dùng công thức tính nhịp tim khi tập để xác định mức độ phù hợp của cường độ tập luyện:

Nhịp tim khi tập = (220 - tuổi) x (từ 50% đến 70%)

Ví dụ: một người 40 tuổi được xem là vận động phù hợp nếu khi tập luyện nhịp tim đạt mức: (220 - 40) x 0,5 = 90 lần/phút.


 

Hình 10. 3 giai đoạn giúp buổi tập an toàn và hiệu quả

Thời gian tập luyện

Mỗi ngày trung bình 30 - 40 phút. Hoặc vận động nhiều lần trong ngày, mỗi lần tối thiểu 10 phút. Nên vận động tối thiểu 5 ngày/tuần, tốt hơn nên tập đều đặn mỗi ngày.

9.4 Thuốc điều trị béo phì

Nguyên tắc chung

  • Khuyến cáo mục tiêu chính là giảm 5 - 10% cân nặng trong 6 tháng sau khi bắt đầu điều trị.
  • Trong trường hợp không đạt được mục tiêu giảm cân thông qua can thiệp lối sống ở bệnh nhân có chỉ số BMI ≥ 25 kg/m2, cần xem xét điều trị bằng thuốc.
  • Lựa chọn thuốc dựa vào: 
  • Nguyên nhân gây bệnh.
  • Cơ chế tác dụng, tác dụng phụ, bất lợi, tính an toàn...
  • Yếu tố tâm lý xã hội, cảm xúc và ý thích góp phần vào tình trạng béo phì.
  • Chi phí thuốc cũng như đường dùng (uống hay tiêm dưới da) và tần suất sử dụng.

Khuyến cáo ngưng thuốc điều trị béo phì nếu không đạt được giảm ≥ 5% cân nặng sau ba tháng dùng liều điều trị. Tuy nhiên, thuốc có thể được sử dụng để duy trì sự giảm cân đạt được bằng một liệu pháp thay đổi hành vi sức khỏe trước đó hoặc một chế độ ăn năng lượng rất thấp.

Một số thuốc điều trị béo phì được lưu hành trên thế giới: Orlistat, Phentermin + Topiramat, Lorcaserin, Naltrexon + Bupropion, Liraglutid...Trong đó, 2 thuốc được Bộ Y Tế Việt Nam phê duyệt trong điều trị béo phì là orlistat và liraglutid.

Hầu hết các phương pháp điều trị giảm cân không kê đơn đều không được khuyến nghị vì các phương pháp này chưa được chứng minh là có hiệu quả. Ví dụ: brindleberry, L-Carnitin, chitosan, pectin, chiết xuất hạt nho, hạt dẻ ngựa, crom picolinat, fucus vesiculosus và ginkgo biloba. Một số chất (ví dụ, caffein, ephedrin, guarana, phenylpropanolamin) có nhiều tác dụng bất lợi hơn là lợi ích của chúng. Ngoài ra, một số phương pháp điều trị này bị pha trộn hoặc chứa các chất có hại bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cấm (ví dụ: cây ma hoàng, cam đắng, sibutramin).




 

Bảng 2. Một số thuốc điều trị béo phì được lưu hành trên thế giới

9.5 Phẫu thuật 

Chỉ định của phẫu thuật giảm cân khi thất bại với các điều trị không phẫu thuật ở người bệnh có BMI ≥ 35 kg/m2 hay BMI≥ 30 kg/m2 kèm bệnh lý đồng mắc liên quan béo phì.

Các phương pháp phẫu thuật béo phì hiện nay:

  • Phẫu thuật đặt vòng thắt dạ dày
  • Phẫu thuật tạo hình dạ dày ống đứng
  • Phẫu thuật nối tắt dạ dày
  • Phẫu thuật phân lưu mật tụy
  • Phẫu thuật đảo dòng tá tràng
  • Phẫu thuật nối tắt dạ dày với 1 miệng nối (mini gastric bypass)
  • Phẫu thuật khâu gấp nếp dạ dày
  • Phẫu thuật tạo hình dạ dày
  • Đặt bóng dạ dày (intragastric ballon - IRB)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Y tế (2022), "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì”, Ban hành theo quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22 tháng 10 năm 2022
  2. Chakhtoura, Marlene, et al. "Pharmacotherapy of obesity: an update on the available medications and drugs under investigation." EClinicalMedicine 58 (2023).
  3. Elkhoury, David, Christina Elkhoury, and Vasavi Rakesh Gorantla. "Improving access to child and adolescent weight loss surgery: a review of updated national and international practice guidelines." Cureus 15.4 (2023).
  4. Tucker, Shanna, et al. "The most undertreated chronic disease: addressing obesity in primary care settings." Current obesity reports 10 (2021): 396-408.
  5. Longo, Dan L. "Harrisons principles of internal medicine." (2012).
  6. Mann, Traci, et al. "Medicare's search for effective obesity treatments: diets are not the answer." American Psychologist 62.3 (2007): 220.
  7. Okunogbe, Adeyemi, et al. "Economic impacts of overweight and obesity: current and future estimates for 161 countries." BMJ global health 7.9 (2022): e009773. 
  8. Mahmoud, Abeer M. "An overview of epigenetics in obesity: the role of lifestyle and therapeutic interventions." International journal of molecular sciences 23.3 (2022): 1341.
  9. Heindel, Jerrold J., Retha Newbold, and Thaddeus T. Schug. "Endocrine disruptors and obesity." Nature Reviews Endocrinology 11.11 (2015): 653-661.
  10. Levy S. M. (n.d.). Béo phì. Cẩm nang MSD - Phiên bản dành cho chuyên gia. Retrieved September 18, 2024, from https://www.msdmanuals.com 
  11. Excess weight and health risks. (n.d.). Mylivwell.org. Retrieved September 18, 2024, from https://mylivwell.org/am-i-a-candidate/excess-weight-and-health-risks
  12. Dinh dưỡng cho người thừa cân béo phì. (n.d.). Dinh Dưỡng Cho Người Thừa Cân Béo Phì. Retrieved September 19, 2024, from https://viendinhduongtphcm.org/vi/thua-can-beo-phi/dinh-duong-cho-nguoi-thua-can-beo-phi.html
  13. Drugs & diseases. (n.d.). //Www.medscape.com. Retrieved September 19, 2024, from https://reference.medscape.com/
  14. (N.d.). Drugs.com. Retrieved September 19, 2024, from https://www.drugs.com/dosage/lorcaserin.html

ThS. Kim Ngọc Sơn

ThS. Nguyễn Hiếu Minh


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  85,028       1/737