Tuyển dụng

Đại Học Lạc Hồng  »  Liên kết khác  »  Tuyển dụng


Quy chế tuyển dụng Trường Đại học Lạc Hồng

Chương I 

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng cho việc tuyển dụng vào đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên của Trường Đại  học Lạc Hồng.

Điều 2. Nguyên tắc tuyển dụng

1. Việc tổ chức tuyển dụng phải đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, thực hiện chính sách ưu tiên theo quy định.

2. Mọi công dân Việt Nam có đủ điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước và của Trường đều được tham gia tuyển dụng.

3. Những người được tuyển dụng phải đúng tiêu chuẩn nghiệp vụ và được bố trí đúng việc.

Chương II 

TUYỂN DỤNG

MỤC 1

ĐIU KIỆN TUYỂN DỤNG

 

Điều 3. Điều kiện của người đăng ký dự tuyển

1. Người đăng ký dự tuyển vào làm việc tại Trường phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ và tiêu chuẩn đặc thù nghề nghiệp của vị trí chức vụ tuyển dụng và có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam; có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt;

b) Tuổi đời dự tuyển đáp ứng các yêu cầu về tuổi theo quy định của Trường.

c) Có đơn xin dự tuyển, có lý lịch bản thân rõ ràng, có các văn bằng, chứng chỉ đào tạo theo tiêu chuẩn của vị trí, ngạch tuyển dụng;

d) Có đủ sức khoẻ để đảm nhận nhiệm vụ;

e) Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở điều trị bệnh, cơ sở giáo dục.

f) Không tuyển dụng các trường hợp sau: có dị dạng về hình thể, nói lắp, nói không rõ ràng, không đáp ứng yêu cầu của giảng viên.

2. Căn cứ vào tính chất và đặc điểm chuyên môn nghiệp vụ, Hiệu trưởng có thể bổ sung thêm một số điều kiện khác đối với các ứng viên khi tuyển dụng như: ngoại hình, năng khiếu, giới tính, trình độ đào tạo trên chuẩn của ngạch tuyển dụng…

Điều 4. Tiêu chuẩn chuyên môn đối với giảng viên tại các Khoa, đào tạo

Người được tuyển dụng vào vị trí là giảng viên tại các khoa đào tạo cần đáp ứng các yêu cầu sau:

Có học hàm, học vị Thạc sỹ, Tiến sỹ, Phó Giáo sư (PGS), Giáo sư (GS) chuyên ngành phù hợp vị trí tuyển dụng. Với học vị Thạc sỹ, Tiến sỹ phải được nằm trong các trường Bộ Giáo dục Và Đào tạo Việt Nam quy định.

Ngoài các tiêu chuẩn trên, người đăng ký dự tuyển làm giảng viên cần có năng lực trong nghiên cứu khoa học thể hiện qua các công trình nghiên cứu khoa học như đề tài, bài báo, báo cáo khoa học đăng Kỷ yếu Hội thảo khoa học…Nhà trường quy định cụ thể các yêu cầu về tiêu chuẩn năng lực NCKH của các ứng viên cho từng đợt tuyển dụng.

Trong một số trường hợp đặc biệt, căn cứ vào yêu cầu của đợt tuyển dụng và tình hình thực tế, Hội đồng tuyển dụng sẽ quyết định về các tiêu chuẩn chuyên môn và tiêu chuẩn về độ tuổi cụ thể đối với giảng viên. Các tiêu chuẩn phải phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 5. Tiêu chuẩn chuyên môn đối với trợ giảng

Tốt nghiệp đại học chính quy loại khá, giỏi trở lên của các Trường trong nước hoặc của trường đại học nước ngoài có uy tín với ngành/chuyên ngành phù hợp và đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đáp ứng nhu cầu công việc;

b) Không quá 28 tuổi.

Ngoài các tiêu chuẩn trên, người đăng ký dự tuyển làm giảng viên cần có năng lực trong nghiên cứu khoa học thể hiện qua các công trình nghiên cứu khoa học như đề tài, bài báo, báo cáo khoa học đăng Kỷ yếu Hội thảo khoa học…Nhà trường quy định cụ thể các yêu cầu về tiêu chuẩn năng lực NCKH của các ứng viên cho từng đợt tuyển dụng.

Trong một số trường hợp đặc biệt, căn cứ vào yêu cầu của đợt tuyển dụng và tình hình thực tế, Hội đồng tuyển dụng sẽ quyết định về các tiêu chuẩn chuyên môn và tiêu chuẩn về độ tuổi cụ thể đối với giảng viên. Các tiêu chuẩn phải phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 6. Tiêu chuẩn chuyên môn đối với giảng viên ngoại ngữ

Giảng viên ngoại ngữ cần đáp ứng một trong các yêu cầu sau:

1. Có học vị Thạc sỹ với chuyên ngành phù hợp và không quá 35 tuổi;

2. Tốt nghiệp đại học chính quy tại các trường đại học đào tạo ngoại ngữ có uy tín trong và ngoài nước, đáp ứng các điều kiện sau:

a) Tốt nghiệp Đại học loại Khá có điểm trung bình toàn khóa từ 7.5 trở lên (ưu tiên cho người tốt nghiệp loại Giỏi hoặc đang học Cao học).

b) Không có môn học nào thuộc khối kiến thức chuyên môn của ngành phải thi lại;

c) Không quá 28 tuổi.

Các trường hợp đặc biệt khác sẽ do Hiệu trưởng quyết định về các tiêu chuẩn chuyên môn và tiêu chuẩn về độ tuổi. Các tiêu chuẩn phải phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 7. Tiêu chuẩn chuyên môn đối với nhân viên các phòng, ban chức năng và nhân viên phục vụ

Người đăng ký dự tuyển làm nhân viên tối thiểu phải có bằng trung cấp trở lên, có chứng chỉ tin học văn phòng, chứng chỉ tiếng Anh trình độ B và tương đương trở lên. Ưu tiên những người tốt nghiệp loại giỏi, có bằng Thạc sỹ hoặc Tiến sỹ.

Đối với nhân viên phục vụ:

  1. Nhân viên lái xe: có đủ sức khỏe và bằng cấp theo quy định.
  2. Nhân viên phục vụ khác: Bảo vệ, tạp vụ, lao động phổ thông không yêu cầu trình độ, nhưng đáp ứng yêu cầu về sức khỏe.

Đối với một số vị trí tuyển dụng đặc thù, Hội đồng tuyển dụng sẽ quy định thêm các tiêu chuẩn, phải phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và được thông báo công khai trước khi tổ chức tuyển dụng.

Điều 8. Các ưu tiên trong tuyển dụng

1. Ưu tiên trong tuyển dụng các trường hợp sau đây:

a) Người dân tộc thiểu số, người tình nguyện phục vụ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; anh hùng lực lượng vũ trang; anh hùng lao động; thương binh; con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh;

b) Những người có học vị tiến sĩ đúng chuyên ngành đào tạo, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng;

c) Những người có học vị thạc sĩ đúng chuyên ngành đào tạo, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng; những người tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc ở các bậc đào tạo chuyên môn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng;

d) Những người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện phục vụ nông thôn, miền núi từ hai năm trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ.

e) Các trường hợp sau đây sẽ được tuyển dụng ngay mà không cần xét tuyển nếu phù hợp với tiêu chí và vị trí Nhà trường đang cần: Có học hàm, học vị Thạc sỹ, Tiến sỹ, Phó Giáo sư (PGS), Giáo sư (GS) chuyên ngành phù hợp và kinh nghiệm giảng dạy đại học, đã từng giữ vị trí quản lý trong các cơ sở giáo dục, có kinh nghiệm làm việc thực tế; Có các văn bằng chứng chỉ đáp ứng ngay những môn học đặc thù khó tuyển.

2. Mức ưu tiên do Hiệu trưởng quyết định theo quy định của pháp luật hiện hành và thông báo công khai trước khi xét tuyển hồ sơ.

MỤC 2

TUYỂN DỤNG

Điều 9. Hình thức tuyển dụng

1. Việc tuyển dụng được tổ chức thường xuyên trong năm theo kế hoạch và nhu cầu thực tế. Các trường hợp khác do Hiệu trưởng xem xét quyết định.

2. Đối với những phòng chức năng và tương đương có nhu cầu cấp bách về bổ sung nhân lực để thực hiện công việc được Nhà trường xem xét ký hợp đồng lao động chờ tuyển dụng.

Điều 10. Hội đồng tuyển dụng

1. Thành phần

Hội đồng tuyển dụng do Hiệu trưởng ra quyết định thành lập có 05 hoặc 07 thành viên, bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng được Hiệu trưởng phân công;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Hiệu trưởng thường trực;

c) Các uỷ viên Hội đồng gồm: Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính, đại diện lãnh đạo các tổ chức, đơn vị chuyên ngành được tuyển dụng; Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch công đoàn trường; một số lãnh đạo các đơn vị chức năng.

d) Uỷ viên Thư ký hội đồng do Hiệu trưởng phân công.

2. Nguyên tắc hoạt động

Các cuộc họp của Hội đồng tuyển dụng do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì và phải có ít nhất 2/3 thành viên tham dự. Hội đồng làm việc theo chế độ thảo luận tập thể, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số. Các quyết định của Hội đồng có thể tiến hành bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín và phải được ít nhất 1/2 thành viên có mặt tán thành.

Người có vợ, chồng, con, anh, chị em ruột tham gia dự tuyển không được tham gia Hội đồng.

3. Nhiệm vụ:

a) Thông báo công khai kế hoạch tuyển dụng; thể lệ, quy chế, tiêu chuẩn và điều kiện dự tuyển; hồ sơ cần thiết của người dự tuyển, thời gian, địa điểm;

b) Phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng các đơn vị;

d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dự tuyển;

e) Thông qua kết quả thi tuyển hoặc xét tuyển.

Điều 11. Hồ sơ tuyển dụng

Hồ sơ tuyển dụng bao gồm:

1. Đơn xin tuyển dụng.

2. Bản sơ yếu lý lịch theo mẫu quy định, có xác nhận của địa phương nơi cư trú (trong thời gian 6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ xin tuyển dụng);

3. Chứng minh nhân dân, hộ khẩu (bản sao có chứng thực).

4. Bằng tốt nghiệp đại học, bảng điểm toàn khoá (bản sao có chứng thực). Bằng tốt nghiệp tại nước ngoài phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.

5. Bằng tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ, bảng điểm (bản sao có chứng thực). Các trường hợp bằng tốt nghiệp và bảng điểm do nước ngoài cấp phải dịch sang tiếng Việt và có công chứng theo quy định. Bằng tốt nghiệp tại nước ngoài phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.

6. Chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học, các chứng chỉ có liên quan trong thời hạn còn giá trị theo quy định (bản sao có chứng thực).

7. Bản sao có công chứng các Bằng khen, giấy khen và các giấy chứng nhận hưởng chính sách, các Giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có).

8. Giấy khám sức khỏe trong vòng 6 tháng tính đến khi nộp hồ sơ do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.

Điều 12. Tổ chức tuyển dụng

1. Thông báo tuyển dụng và thu nhận hồ sơ

a) Nhà trường thông báo công khai về tiêu chuẩn, điều kiện, số lượng, chức danh cần tuyển và nội dung của hồ sơ dự tuyển trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nội dung thông báo tuyển dụng gồm: Điều kiện và tiêu chuẩn đăng ký dự tuyển, số lượng cần tuyển, nội dung hồ sơ đăng ký dự tuyển, thời gian đăng ký dự tuyển và địa điểm nộp hồ sơ, số điện thoại liên hệ.

b) Nhà trường thu nhận hồ sơ của các ứng viên trong cả năm và tổ chức xét tuyển theo kế hoạch và nhu cầu thực tế.

2. Tổ chức xét tuyển: Thực hiện theo quy trình tuyển dụng đối với từng vị trí, ngạch tuyển dụng.

3. Thông báo kết quả tuyển dụng

Chậm nhất 30 ngày kể từ khi kết thúc kỳ xét tuyển, Nhà trường công bố kết quả tuyển dụng tại phòng Tổ chức – Hành chính và thông báo cho người dự tuyển.

Điều 13. Quy trình tuyển dụng

  1. Bước 1: Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ, khối lượng công tác giảng dạy, tình hình thực tế các đơn vị lập kế hoạch nhu cầu tuyển dụng cán bộ giảng dạy, cán bộ chuyên trách tại đơn vị trình và gửi về phòng Tổ chức – Hành chính. Trong đó ghi rõ các điểm:
  •         Số lượng tuyển dụng.
  •         Vị trí tuyển dụng.
  •         Yêu cầu về trình độ chuyên môn.
  1. Bước 2: Hội đồng tuyển dụng xét chỉ tiêu tuyển dụng của các đơn vị và phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng cho từng đơn vị.
  2. Bước 3: Phòng Tổ chức – Hành chính lập kế hoạch, thông báo tuyển dụng và tiếp nhận hồ sơ.
  3. Bước 4: Phòng Tổ chức – Hành chính phân loại các hồ sơ đạt yêu cầu và gửi về cho các đơn vị phỏng vấn xét tuyển.
  4. Bước 5: Các đơn vị phỏng vấn xét tuyển đảm bảo tính khách quan, công khai, công bằng chọn đúng người đáp ứng được yêu cầu vị trí cần tuyển và gửi báo cáo hồ sơ đạt yêu cầu về phòng Tổ chức – Hành chính.
  5. Bước 6: Phòng Tổ chức – Hành chính trình Hiệu trưởng xét duyệt và ra quyết định tuyển dụng đối với các ứng viên trúng tuyển

Ghi chú: Trong một số trường hợp đặc biệt, căn cứ vào yêu cầu của đợt tuyển dụng và tình hình thực tế, Hội đồng tuyển dụng sẽ quyết định về các tiêu chuẩn chuyên môn và tiêu chuẩn về độ tuổi cụ thể đối với từng đối tượng, vị trí tuyển dụng.

Chương III

HP ĐỒNG LÀM VIỆC, THỬ VIỆC

 

Điều 14. Thử việc

1. Người được tuyển dụng vào Trường được ký hợp đồng có thời hạn 01 năm phải thực hiện chế độ thử việc theo quy định của Luật Lao động.

2. Thời gian thử việc đối với người tuyển dụng sau khi ký hợp đồng làm việc lần đầu được quy định như sau:

a) Đối với vị trí tuyển dụng có trình độ từ Cao đẳng trở lên: Thử việc 02 tháng

b) Đối với vị trí tuyển dụng có trình độ Trung cấp, lái xe: Thời gian thử việc 01 tháng

c) Đối với vị trí tuyển dụng là Lao công, tạp vụ, bảo vệ, lao động phổ thông: Thời gian thử việc là 01 tháng nhưng hưởng nguyên lương.

Điều 15 Hướng dẫn thử việc

1. Đơn vị trực tiếp sử dụng lao động có trách nhiệm hướng dẫn cho người thử việc nắm vững chức năng, nhiệm vụ, nội quy, quy chế của đơn vị;

2. Đơn vị trực tiếp sử dụng lao động có trách nhiệm cử một cán bộ có năng lực và kinh nghiệm về nghiệp vụ hướng dẫn người thử việc.

Điều 16 Nội dung thử việc

1. Đối với tập sự ngạch giảng dạy:

a) Nắm vững chức năng, nhiệm vụ, nội quy, quy chế của đơn vị;

b) Soạn bài giảng theo phân công của Bộ môn, nắm được các khâu giảng dạy, hướng dẫn bài tập, hướng dẫn thực tập. Có thể hướng dẫn phụ chuyên đề tốt nghiệp. Chuẩn bị bài giảng để giảng thử ít nhất 2 lần trước Bộ môn, mỗi lần 45 phút, có nhận xét đánh giá của bộ môn;

c) Bồi dưỡng về Lý luận giảng dạy đại học, Ngoại ngữ, chuyên môn. Hết thời gian hợp đống 01 năm phải có chứng chỉ “Phương pháp giảng dạy đại học”.

d) Tham gia tích cực các sinh hoạt chuyên môn, hoạt động Chính trị - Xã hội, Văn nghệ, Thể thao, hoạt động Đoàn thể và các hoạt động khác tại đơn vị và Nhà trường.

2. Đối với các ngạch nghiệp vụ chuyên môn, hành chính:

a) Nắm vững chức năng, nhiệm vụ, nội quy, quy chế của đơn vị;

b) Bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn theo yêu cầu cụ thể của công việc được giao.

c) Tham gia tích cực các sinh hoạt chuyên môn, hoạt động Chính trị - Xã hội, Văn nghệ, Thể thao, hoạt động Đoàn thể và các hoạt động khác tại đơn vị và Nhà trường.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 17 Quy chế có hiệu lực kể từ ngày ký quyết định ban hành. Những văn bản quy định trước đây trong Trường về công tác tuyển dụng, thử việc Cán bộ, giảng viên, nhân viên chức có nội dung trái với Quy chế này đều bị bãi bỏ.

Điều 18. Thủ trưởng các đơn vị trong Trường có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các quy định tại Quy chế này.

Trong quá trình thực hiện, Quy chế này có thể được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn của Trường./.


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  1,702,465       1/737