Công trình khoa học đã công bố

Nghiên cứu khoa học  »  Công trình khoa học đã công bố


Kiểm soát vốn theo cơ chế quản lý vốn tập trung tại BIDV Việt Nam - Chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa TP.HCM

KIỂM SOÁT VỐN THEO CƠ CHẾ QUẢN LÝ VỐN TẬP TRUNG

TẠI BIDV VIỆT NAM - CHI NHÁNH NAM KỲ KHỞI NGHĨA TP. HCM.

Đoàn Thị Hải Yến (*)

       Bước vào kỷ nguyên mới của công nghệ và tri thức, với hành trang truyền thống 50 năm phát triển, BIDV-Việt Nam tự tin h­ướng tới mục tiêu trở thành Tập đoàn Tài chính Ngân hàng với 4 trụ cột Ngân hàng - Bảo hiểm - Chứng khoán - Đầu tư Tài chính có uy tín trong nước, trong khu vực và thế giới. Để thực hiện mục tiêu chiến lược này, ngày 13/01/2007, BIDV-Việt Nam đã chính thức triển khai Cơ chế quản lý vốn tập trung trong toàn hệ thống.
 
       Hiện nay, không chỉ có BIDV-Việt Nam là ngân hàng (NH) duy nhất áp dụng Cơ chế quản lý này, nhưng là NHTM NN đầu tiên mạnh dạng thực hiện Cơ chế đổi mới hướng tới: “Thực hiện mục tiêu xây dựng BIDV-Việt Nam trở thành một NH hợp nhất theo hướng NH đa năng, tập trung hóa hoạt động và quyền lực tại Hội sở chính (HSC), kiểm soát các sản phẩm, kế hoạch tài chính cho từng nhóm khách hàng thông qua các kênh phân phối (các chi nhánh). Chuyển đổi BIDV-Việt Nam thành Tập đoàn tài chính – ngân hàng với quy mô lớn. Trong đó, sự thành công của Cơ chế Quản lý vốn tập trung (QLVTT) là bước chuyển đổi mang tính chiến lược, giữ vai trò quan trọng nhất”.[1]

       Khái niệm: Cơ chế QLVTT hay gọi là cơ chế FTP (Fund Transfer Pricing), là cơ chế quản lý vốn từ Trung tâm vốn đặt tại HSC. Các Chi nhánh (CN) trở thành các đơn vị kinh doanh, thực hiện mua bán vốn với HSC (thông qua Trung tâm vốn). HSC sẽ mua toàn bộ tài sản Nợ của CN và bán vốn để CN sử dụng cho tài sản Có. Từ đó, thu nhập/chi phí của từng CN được xác định thông qua chênh lệch mua bán vốn với HSC. Tập trung rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất về HSC.
 
       Nguyên tắc thực hiện Cơ chế QLVTT bao gồm những nội dung sau:
 
       -   Quan hệ điều chuyển vốn nội bộ thông qua cơ chế “mua/bán” vốn. Công tác điều hành vốn nội bộ được chuyển từ cơ chế “vay/gửi” sang cơ chế “mua/bán” vốn. Cùng với sự chuyển đổi này thì toàn bộ rủi ro về vốn (rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất) sẽ được chuyển về HSC. Lãi suất hay giá của hoạt động “mua/bán” vốn (giá chuyển vốn FTP) trong từng thời điểm do HSC xác định và thông báo tới các CN.
 
       -   QLVTT và thống nhất tại HSC. Xây dựng cả hệ thống là một bảng tổng kết tài sản thống nhất và duy nhất, đảm bảo kiểm soát thu nhập - chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh của NH, phát huy thế mạnh của từng đơn vị kinh doanh và tối đa hóa lợi nhuận.
 
      -    Giá chuyển vốn. Đây là công cụ quan trọng trong công tác điều hành vốn tại HSC và là căn cứ để xác định hiệu quả hoạt động trong kỳ của mỗi CN. Hiệu quả hoạt động của CN sẽ được đánh giá chuẩn xác theo tiêu thức thống nhất trên cơ sở chênh lệch giữa lãi suất thực hiện với khách hàng và giá chuyển vốn nội bộ.
 
      -    Chuyển rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất về HSC. Quản lý rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất được thực hiện thông qua các giới hạn, hạn mức và phân cấp, ủy quyền đến các bộ phận theo quy định của Tổng GĐ bằng các văn bản cụ thể. CN thực sự trở thành đơn vị kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận từ các dịch vụ cung cấp cho khách hàng.

Hình:HSC thực hiện điều hòa vốn giữa các CN thông qua cơ chế “mua/bán” vốn.

 

      Việc chuyển đổi sẽ cho phép BIDV chuyển dần từ một hệ thống mang tính phân tán sang mô hình theo hướng tập trung hóa, nghĩa là cũng cố, thành lập một HSC vững mạnh, trực tiếp kinh doanh một số hoạt động chiến lược: kinh doanh tiền tệ, kinh doanh trên thị trường vốn, tín dụng, tài trợ thương mại, …

      Hiện nay, các NHTM nước ta vẫn thực hiện việc kiểm soát và sử dụng vốn theo từng CN, mối quan hệ giữa các CN trong cùng hệ thống NH chưa được năng động. Tình trạng này dẫn đến có những CN rất tốt về khả năng thanh khoản nhưng lại có những CN lâm vào tình trạng thâm hụt phải đi vay từ tổ chức khác với lãi suất cao. Cơ chế QLVTT khắc phục được tình trạng này trên cơ sở quản lý tập trung rủi ro và nguồn vốn. Tuy nhiên, một cơ chế mới luôn mang theo những khiếm khuyết cần chỉnh sửa. Vì vậy việc dùng những con số thực tế của từng CN mà cụ thể là kết quả hoạt động kinh doanh của BIDV – CN Nam Kỳ Khởi Nghĩa qua các năm 2007-2008 làm cơ sở để xác định những mặc tích cực và hạn chế của việc áp dụng Cơ chế quản lý vốn tập trung là điều hết sức cần thiết.

Biểu đồ: Huy động vốn và dư nợ tín dụng BIDV – CN Nam Kỳ Khởi Nghĩa 2007 – 2008.

Nguồn:Phòng Kế hoạch tổng hợp BIDV-CNNNKN [3]

       Nhận xét chung:

      Điểm khác biệt của BIDV-CN NKKN với những NH khác (không kể đến BIDV-CN Hà Thành) là nghiệp vụ: NH lưu ký giám sát và NH thanh toán bù trừ tiền chứng khoán. Do đó, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán bị trượt dốc đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của CN, đặc biệt là sự giảm sút của nguồn tiền gởi (nguồn huy động vốn của CN chủ yếu là từ các Cty chứng khoán, các quỹ, các Cty quản lý quỹ).

      Ngoài ra, theo báo cáo của Phòng khách hàng doanh nghiệp, chỉ tiêu huy động vốn của phòng chỉ đạt 72,6% kế hoạch 2008. Nguyên nhân là do lãi suất huy động của CN thấp hơn so với các ngân hàng trên địa bàn. Mặt khác BIDV không huy động sản phẩm tiền gởi dưới 01 tháng nên hầu hết các doanh nghiệp đã chuyển sang gởi tiền ở các NH khác.

      Ngược lại sự suy giảm của chỉ tiêu huy động vốn, Hoạt động tín dụng của CN đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Cụ thể như sau: so với dư nợ năm 2007 là 63,86 tỷ đồng, CN đã đề ra kế hoạch đẩy dư nợ tín dụng năm 2008 lên 100 tỷ đồng. Tuy kết quả đạt được năm 2008 là 99,3 tỷ đồng, chiếm 99,3% kế hoạch đề ra, nhưng xét trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế và so với kết quả của năm 2007 thì dư nợ tín dụng đã tăng lên 55,50%.
 
      Những ưu điểm từ Cơ chế QLVTT mang lại:
 
   -      Lợi nhuận thu được từ việc huy động vốn tăng lên trong khi những rủi ro về thanh khoản, về lãi suất chuyển về HSC.
   -      CN tập trung nhiều hơn cho việc tận dụng triệt để nguồn khách hàng trên địa bàn thông qua các sản phẩm dịch vụ mới, các chính sách khách hàng…
   -      Việc “bán” vốn về HSC không những mang về cho CN một nguồn thu cao và ổn định mà còn trên cơ sở đó, sự dư thừa về tính thanh khoản của chính CN sẽ bù đắp cho sự thiếu hụt của những CN bạn trong cùng hệ thống BIDV – Việt Nam.
   -      Hiện đại hóa bộ máy tổ chức, hình thành một bộ máy gọn nhẹ, linh động, loại bỏ được một số công tác, báo cáo thủ công.

      Hạn chế tồn tại cần tháo gỡ:

   -      Phải huy động vốn dưới mức giá “mua vốn” của HSC, BIDV – CN NKKN đã mất nhiều nguồn huy động lớn do lãi suất không cạnh tranh được với mức lãi suất của các tổ chức tín dụng khác trên cùng địa bàn. Đồng thời, khả năng tổ chức, hoạt động của mỗi CN còn phụ thuộc vào các yếu tố như: đặc điểm của khu vực, địa bàn hoạt động; về nhu cầu cũng như mức thu nhập của khách hàng…tuy nhiên, CN không thể linh động đưa ra mức lãi suất cạnh tranh hơn do bị phụ thuộc vào lãi suất “mua/bán” vốn với HSC.Như vậy, việc áp dụng cơ chế một giá trong việc “mua/bán” vốn giữa HSC và các CN trong toàn hệ thống như hiện nay là một hạn chế rất lớn.
 
      Giải pháp đề ra:
 
      TP. HCM được xem là khu vực đầu tàu trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, với tốc độ phát triển và khả năng tăng trưởng cao, mặt bằng chung về nền kinh tế và hệ thống tài chính trên địa bàn luôn có sự biến đổi không ngừng. Các CN hoạt động trên địa bàn TP. HCM nói chung và BIDV – CNNKKN nói riêng không nằm ngoài sự phát triển năng động này.
 
      Trên cơ sở đó, Hội sở cần xem xét, đề ra khung giá “mua/bán” vốn phân chia theo từng khu vực, theo từng đối tượng khách hàng khác nhau cụ thể như sau:
 
      Xem xét xây dựng mức giá “mua vốn” ưu tiên hơn cho các CN hoạt động trên địa bàn TP. HCM nhằm tăng tính cạnh tranh và linh động của các CN. Ứng với các mức giá “mua vốn” hiện tại, Giá “mua vốn” đề xuất có thể tăng lên 1-3% đồng thời giá “bán vốn” cũng sẽ có phần tăng theo nhằm kích thích khả năng cạnh tranh phát triển của CN.
 
Kỳ hạn
VND
Giá mua
Giá bán
Giá thực hiện
Giá điều chỉnh
Giá thực hiện
Giá điều chỉnh
Không kỳ hạn
5.0
6.0
8.0
9.0
Qua đêm
5.0
6.0
8.0
9.0
1 tháng
8.5
10.0
13.0
14.5
2 tháng
8.5
10.0
13.0
14.5
3 tháng
10.0
11.5
13.0
14.5
4 tháng
10.0
11.5
13.2
14.7
5 tháng
10.0
11.5
13.2
14.7
6 tháng
10.5
12.0
13.2
15.0
7 tháng
10.5
12.0
13.5
15.0
8 tháng
10.5
12.0
13.5
15.0
9 tháng
11.0
12.7
13.5
15.2
10 tháng
11.0
12.7
13.5
15.2
11 tháng
11.0
12.8
13.5
15.4
12 tháng
12.5
14.0
13.5
15.5
13 tháng
10.5
12.0
14.5
16.0
18 tháng
10.5
12.0
14.5
16.0
24 tháng
10.5
12.0
14.5
16.0
36 tháng
10.5
12.0
15.0
16.0
60 tháng
10.5
12.0
15.0
16.0
> 60 tháng
10.5
12.0
15.0
16.0
 
      Qua khảo sát ý kiến đánh giá của một số các NHTM đang hoạt động trên địa bàn TP. HCM cho thấy, Cơ chế QLVTT không thực sự mới mẽ như tên gọi của nó. Những NH đã áp dụng và kể cả những NH đang tìm hiểu đều có những đánh giá rất tốt và khả quang về Cơ chế quản lý này. Ứng dụng Cơ chế QLVTT được xem là xu thế tất yếu để tiến tới hình thành tập đoàn Tài chính – Ngân hàng với quy mô lớn, phù hợp với tình hình thực tế trong nước và thông lệ quốc tế chính là xu hướng phát triển chung trong tương lai của các NHTM Việt Nam.
 
      Từ những góc nhìn, những khía cạnh phân tích khác nhau sẽ ra đời những đánh giá đa dạng hơn về Cơ chế QLVTT. Những phân tích trên đây chỉ đề cập đến một khía cạnh về tác động của giá chuyển vốn đối vối hoạt động của CN, về vai trò của giá chuyển vốn trong Cơ chế QLVTT. Ngoài ra, nếu được nghiên cứu một cách chi tiết và nâng cao hơn nữa với những phương pháp nghiên cứu mang tầm vĩ mô thì Cơ chế QLVTT còn có thể được nghiên cứu ứng dụng trong việc quản lý tài chính của các công ty lớn, các tập đoàn hoặc các Tổng công ty nhà nước một cách khoa học và hợp lý.
 
      Mỗi một NH áp dụng, mỗi một giai đoạn phát triển của nền kinh tế sẽ là cơ sở giúp cho Cơ chế phát triển hoàn thiện hơn.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
[1]  Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Nghị quyết số 182/NQ-HĐQT ngày 11/5/07 về việc Phê duyệt Đề án chuyển đổi mô hình tổ chức Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam giai đoạn 2007-2010, lưu hành nội bộ, 2007.
[2] Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, “Cơ chế quản lý vốn tập trung”, lưu hành nội bộ, 2007.
[3] Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, “Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 2007-2008, lưu hành nội bộ, 2008.
 
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(*) Sinh viên Lớp 05TC1- Niên khóa 2005-2009. Khoa Tài chính – Kế toán –Trường ĐH Lạc Hồng – Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, Phường Bửu Long, Tp Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai.

ĐT: (84-61)3.951050, FAX: (84-61) 3.952397.

 

 


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  818,117       1/669