Công trình khoa học đã công bố

Nghiên cứu khoa học  »  Công trình khoa học đã công bố


Một số giải pháp tăng cường quản lý khoa học và công nghệ trên địa bàn Huyện Vĩnh Cửu Tỉnh Đồng Nai

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN VĨNH CỬU TỈNH ĐỒNG NAI

 

Nguyễn Thị Mỹ Hương*

 

        Trong lịch sử loài người, khoa học và công nghệ (KH&CN) đóng vai trò quan trọng. Ngày nay các thành tựu khoa học và công nghệ, đặc biệt là những thành tựu trong nửa đầu thế kỷ 20 đã làm thay đổi căn bản bức tranh của thế giới, đặc biệt trong bình diện của từng quốc gia. Khoa học và công nghệ ngày càng thực sự trở thành một động lực phát triển kinh tế-xã hội và phát triển bền vững, toàn diện.
 
        Đối với Việt Nam, Khoa học và công nghệ có vai trò rất quan trọng, đó là vai trò nhận thức và cải tạo xã hội. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2 (khóa VIII) đã chỉ rõ quan điểm phát triển KH&CN của Đảng ta trong đó phải coi KH&CN là nội dung then chốt của các ngành, các cấp.
 
        Đặc biệt hơn nữa là KH&CN có vai trò quan trọng trong sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Đảng và Nhà nước luôn ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp và đời sống nông thôn.
 
        Đối với tỉnh Đồng Nai, thời gian qua hoạt động KHCN đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển của nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà. Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai đã có hẳn một chương trình KHCN để phục vụ nông thôn và hàng năm tổ chức hội thảo với lãnh đạo các huyện, thị xã và thành phố Biên Hòa về nhiệm vụ khoa học và công nghệ của cấp huyện [4].
 
        Tuy nhiên hoạt động KHCN đối với nông thôn còn nhiều bất cập nhưng Tỉnh chưa có một đề án nghiên cứu nào về hoạt động quản lý KHCN cấp huyện. Huyện Vĩnh Cửu cũng nằm trong bối cảnh chung của cả tỉnh, và đó cũng chính là nơi tôi sinh ra và lớn lên;Vì thế, tôi quyết định chọn đề tài: “Một số giải pháp tăng cường quản lý Khoa học và Công nghệ trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai” với mong muốn kết quả nghiên cứu sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ của huyện Vĩnh Cửu, đồng thời có thể nhân rộng cho các huyện khác trong phạm vi Tỉnh cũng như cả nước.
 
Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong bài viết:
  •  Phương pháp thu thập qua các số liệu báo cáo từ Sở Khoa học và Công nghệ, huyện Vĩnh Cửu, các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động khoa học công nghệ.
  •  Phương pháp phân tích thống kê và phân tích dữ liệu trên cơ sở những số liệu và dữ liệu đã thu thập được.
  •  Phương pháp phỏng vấn và nghiên cứu tình huống.
 
        Quản lý KH&CN ở cấp huyện không có nghĩa là trực tiếp thực hiện các nghiên cứu hay triển khai, bởi đó là công việc của tổ chức R&D (nhà nước, tư nhân, phi chính phủ), của doanh nghiệp.
 
        Quản lý KH&CN cũng không có nghĩa là tiến hành các dịch vụ KH&CN. Nhưng quản lý KH&CN có nhiệm vụ quản lý các tổ chức trên thông qua việc thực hiện các chính sách KH&CN đối với họ; theo dõi, nắm thông tin về hoạt động của họ thông qua hệ thống báo cáo thống kê; nắm bắt được những vướng mắc, khó khăn, đề xuất của họ để tư vấn cho lãnh đạo cấp trên trong việc điều chỉnh chính sách và hoạt động quản lý.
 
Thực trạng công tác quản lý khoa học và công nghệ cấp huyện đang đặt ra những vấn đề bất cập:
 
        Thời gian qua, hoạt động KH&CN cấp huyện được Tỉnh rất quan tâm cụ thể được Sở KH&CN và UBND huyện quan tâm chỉ đạo bố trí 01 cán bộ theo dõi, quản lý nhà nước về hoạt động KH&CN ở địa phương [2– trang 10]. Tuy nhiên, lĩnh vực Khoa học và Công nghệ của Phòng Công thương được tiếp nhận từ Phòng Kinh tế cũ nhưng không bàn giao và tiếp nhận cán bộ chuyên quản do đó hiện nay Phòng chưa có cán bộ và chưa được phân bổ biên chế để thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho UBND huyện quản lý nhà nước trên lĩnh vực khoa học và công nghệ [3]. Thời gian qua việc thực hiện công tác này được phân công cho cán bộ chuyên quản ở lĩnh vực khác kiêm nhiệm.
 
        Chính vì những thay đổi đó, huyện đã gặp nhiều khó khăn về công tác quản lý khoa học và công nghệ cụ thể như:
  • Theo dõi, quản lý không xuyên suốt.
  • Người phụ trách công tác quản lý KH&CN hiện chỉ là kiêm nhiệm, và vì là người mới nên chưa hiểu gì nhiều về quản lý KH&CN nên việc thực hiện còn sơ sài và không có hiệu quả.
  • Huyện chủ yếu là ngành Nông nghiệp [1 - trang 3;4], ngành ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ cũng là Nông nghiệp. Trong khi đó, chức năng KHCN lại được đặt tại phòng Công thương, cho nên ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp chưa được tập trung quan tâm.
 
Mô hình trước đây có những bất cập như sau:
 
        Ø      Chưa có tính hệ thống, đồng bộ, thống nhất đầu mối quản lý từ tỉnh đến huyện, xã.
        Ø      Trình độ, năng lực, nhất là về quản lý KH&CN của người điều hành còn hạn chế.
        Ø      Lực lượng thực hiện nghiên cứu khoa học, chuyển giao TBKT vẫn còn bất cập.
        Ø      Tập quán, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế.
        Ø      Trong tổ chức còn bất cập.
 
Những vấn đề cơ bản đặt ra đối với quản lý KH&CN:
 
        Thực tiễn công tác quản lý khoa học và công nghệ cấp huyện nêu trên đang đặt ra những vấn đề đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ cả về cơ chế, chính sách và tổ chức nhằm làm chuyển biến tồn tại hiện nay:
  •  Còn mang tính hình thức xin cho trong hoạt động nghiên cứu khoa học;
  •  Chưa chủ động trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động khoa học hàng năm.
  •  Chưa đa dạng hóa được các hoạt động và nguồn vốn;
  •  Chưa bố trí được nhân sự cho hoạt động khoa học công nghệ.
  •  Lúng túng trong khâu quyết toán kinh phí. Đề tài, dự án cấp huyện trong lĩnh vực như Nông nghiệp chưa được đầu tư nhiều.
  •  Huyện chưa có sự quan tâm phối hợp với các xã.
  •  Phòng Công thương quản lý hoạt động KH&CN vẫn chưa phù hợp, vì ở huyện Vĩnh Cửu, ngành ứng dụng KH&CN chủ yếu là ngành Nông nghiệp.
  •  Hoạt động KH&CN không chỉ là đề tài mà còn có chức năng khác như: thương hiệu, đo lường, thanh tra…Tất cả những hoạt động này đều gặp một số khó khăn còn tồn tại, cần giải quyết khắc phục, cụ thể như:
 
          -       Huyện quan tâm chưa thực đúng mức đối với các điểm thông tin công nghệ ở huyện, ở xã.
          -       Huyện chưa phối hợp tốt với Tỉnh trong các công tác thanh tra kiểm tra. Tỉnh xuống kiểm tra đo lường không có sự phối hợp của huyện đặc biệt như kiểm định (đo cây xăng), đó chính là một trong những nguyên nhân thiếu sự phân công phân cấp xuống huyện.
 
Để giải quyết những tồn tại trên, tôi xin đề xuất mô hình quản lý mới như sau:

 

        (1) Chuyên viên tăng cường kết hợp với phòng Nông nghiệp hoặc phòng Kinh tế.

        Là Phòng Nông nghiệp đối với huyện có cơ cấu thuần nông.

        Là Phòng Kinh tế đối với huyện có cơ cấu công nghiệp chiếm tỷ lệ cao.
 
 Để phát huy hiệu quả hoạt động quản lý khoa học công nghệ cấp huyện, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
 

1. Nguồn nhân lực:
 
      + Tăng cường nguồn nhân lực hoạt động KH&CN, có chế độ chính sách cụ thể khuyến khích năng lực tư duy nghiên cứu sáng tạo...
      + Quy định, người phụ trách KH&CN ở cấp địa phương phải là công chức nhà nước, được đãi ngộ thích đáng và gắn trách nhiệm, có thưởng phạt cụ thể, rõ ràng.
      + Tỉnh Đồng Nai cần tăng cường cán bộ về giúp cho huyện.
      + Đưa hệ thống mạng M-office về huyện



2. Về cơ chế chính sách:
 
      + Về chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ: điều chỉnh chính sách hỗ trợ theo cơ chế 70/30 cho tất cả lĩnh vực kinh tế xã hội
      + Về chính sách đầu tư: hoàn thiện các qui định liên quan đến đầu tư cho các hoạt động KH&CN trên địa bàn huyện.
      + Về chính sách sử dụng cán bộ khoa học công nghệ: Tạo ra môi trường làm việc thuận lợi nhất cho đội ngũ cán bộ khoa học,...
      + Về cơ chế tài chính: Cho phép nhà nghiên cứu được linh hoạt chuyển đổi thuận lợi nội dung nghiên cứu,..
      + Cần xem xét việc phân cấp, phân quyền mạnh hơn giữa Sở KH&CN với UBND huyện về quản lý KH&CN ở địa phương.


 3. Xây dựng câu lạc bộ năng suất cao để trao đổi kinh nghiệm :

 
      Câu lạc bộ năng suất cao thực chất là nơi tập hợp những chủ trang trại, những nông dân có chung ngành nghề sản xuất, cùng mục tiêu đạt năng suất ngày càng cao. Thông qua câu lạc bộ này, bà con được tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tạo điều kiện cho vay vốn... Nhờ đó, "bức tranh" nông nghiệp ở xã, huyện, thị ngày càng khởi sắc.



4. Tăng cường thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ:
 
        Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân truy cập và khai thác kịp thời các thông tin về ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào sản xuất tại điểm khoa học công nghệ thông tin của xã.

 

5. Thắt chặt quan hệ tương hỗ giữa 4 nhà:
 
      Theo đề xuất của TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL đối với vùng đồng bằng Sông Cửu Long [5] Vì thế nên, Thắt chặt quan hệ tương hỗ giữa Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông là một giải pháp quan trọng giúp nông dân huyện Vĩnh Cửu thoát nghèo, vươn lên.
 


6. Hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hàng hóa:
      
      Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước là tập hợp và đưa ra những giải pháp khoa học công nghệ chủ yếu, tạo môi trường để các nhà khoa học, các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân có hiệu quả:
      Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động nông dân, doanh nghiệp, HTX
  •  Tăng cường đầu tư, hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất quy mô lớn (vùng trồng bưởi), vùng nguyên liệu tập trung để thúc đẩy các hình thức liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ.
  •  Trong quy hoạch, cần tạo điều kiện để nông dân, các HTX và tổ hợp tác cùng tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến và thực hiện.
  •  Hỗ trợ các hình thức kinh tế hợp tác của nông dân, các hiệp hội, ngành hàng để các tổ chức này có đủ khả năng cung cấp dịch vụ tiêu thụ nông sản cho nông dân, hạn chế tình trạng độc quyền, ép giá...
  •  Hỗ trợ pháp lý cho nông dân và các bên liên quan trong việc ký hợp đồng.
  •  Tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, các cơ quan liên quan.
  •  Tăng cường hợp tác quốc tế. Cần tạo dựng thương hiệu bưởi và giới thiệu với các nước bạn, để đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực…
           KẾT LUẬN:
 
          Hoạt động KH&CN cấp huyện ở tỉnh Đồng Nai nói chung và huyện Vĩnh Cửu nói riêng còn nhiều hạn chế. Mạng lưới tổ chức quản lý về KH&CN từ tỉnh xuống huyện, xã tuy đã được hình thành song hiệu quả hoạt động chưa cao. Đội ngũ cán bộ KH&CN tuy có bước trưởng thành song vẫn còn mỏng, trình độ năng lực hạn chế, một số chưa thực sự say mê với công việc. Ở các xã, phường, thị trấn chưa có cán bộ chuyên trách về hoạt động KH&CN.
          Bên cạnh đó, việc tiếp cận, lựa chọn công nghệ, các tiến bộ kỹ thuật trong nước, quốc tế để ứng dụng vào sản xuất và đời sống nhân dân trong tỉnh còn hạn chế. Chưa tạo được những bước đột phá quan trọng về KH&CN trong việc phát triển sản xuất để tạo ra những sản phẩm hàng hóa lớn, giá trị kinh tế cao.
 
          Để có thể thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, phấn đấu đến năm 2015, khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực phá triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện cũng như trong tỉnh Đồng Nai, tôi kiến nghị với các cơ quan chức năng một số vấn đề sau đây:

Những kiến nghị đảm bảo thực hiện giải pháp nâng cao quản lý khoa học và công nghệ cấp huyện:

    -     Đối với Tỉnh:

  • Tăng cường phối hợp với huyện thực hiện các hoạt động:
  • Thanh tra KH&CN, đặc biệt chú trọng thanh tra đo lường chất lượng hàng hóa, sở hữu trí tuệ và an toàn; Giải quyết kịp thời và đúng các đơn khiếu nại.
  • Tăng cường công tác đo lường theo pháp quyền.
  • Triển khai ISO hành chính công theo quyết định 114 của Thủ tướng chính phủ cho các đơn vị.
  • Đẩy mạnh thương hiệu cho các doanh nghiệp huyện.
  • Xem thêm mở rộng ngành nghề mới, KHCN tạo điều kiện hổ trợ hoạt động này.
  • Thường xuyên có những lớp đào tạo cho các cán bộ huyên, xã có kiến thức tiến bộ của thông tin khoa học.
  • Cung cấp đường truyền băng thông rộng đến các xã chưa có dịch vụ ADSL.
  • Có chính sách thu hút để tuyển dụng cán bộ KHCN giỏi làm việc trong các cơ quản lý Nhà nứơc về KH&CN tại huyện.
  • Bố trí kinh phí xây dựng và nhân rộng mô hình ứng dụng KHCN ở huyện.
-     Đối với huyện:
  •       Cần có chính sách để tuyển dụng cán bộ KHCN giỏi làm việc ở huyện (để đủ số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ KHCN theo thông tư 05/2008/TTLT-BNV-BKHCN).
  •       Phối hợp với các ban ngành, Sở KH&CN để được tư vấn và giúp đỡ trong công tác quản lý KH&CN, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về KHCN địa phương.
  •       Tăng cường đầu tư và đầu tư có hiệu quả trên cơ sở đa dạng nguồn vốn cho KHCN địa phương.
  •       Đề xuất lên Sở KHCN Đồng Nai, Hội đồng nhân dân và UBND Tỉnh tăng hỗ trợ từ 50-50 lên 70-30 để dễ dàng thực hiện đối với việc hỗ trợ kinh phí thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ có tính khả thi cao thuộc cấp huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
[1]   Biên Bản Hội thảo xác định nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ của các Sở, Ngành trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, Biên Bản số 505/BB-SKHCN, ngày 16/04/2008.
[2]   Thông tư liên tịch số 05/2008/TTLT-BKHCN-BNV, ngày 18/6/2008, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội Vụ.
[3]   Về việc rà soát biên chế sử dụng tại phòng Công Thương huyện Vĩnh Cửu UBND Huyện Vĩnh Cửu, Số 121/PCT ngày 18/11/2008.  
[4]   http://dost-dongnai.gov.vn/Resources/Journal/tabid/54/tsid/47/btid/2865/Default.aspx
[5]   http://www.nld.com.vn/20090111102727295P0C1014/cung-co-lai-lien-ket-4-nha.htm
 
 
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
* Sinh viên Lớp 05QT3- Niên khóa 2005-2009 – Khoa Quản trị – Kinh tế quốc tế –Trường ĐH Lạc Hồng – Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, Phường Bửu Long, Tp Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai – ĐT: (84-61)3.951050, FAX: (84-61)3.952397
Email: ntmh544@yahoo.com


 


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  818,120       1/669