Tuyên truyền

Sinh viên đang học  »  Tuyên truyền


Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh "Kỳ 13 - Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước"

     Có thể khẳng định rằng, yêu nước là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử lâu dài của công cuộc dựng nước và giữ nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề thi đua yêu nước, coi đó là một bộ phận không thể thiếu được trong công tác quản lý của Nhà nước, đồng thời là tấm gương mẫu mực trong mọi phong trào thi đua do chính Người khởi xướng.

     Ngày 11/06/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Đây là sự tổng kết thực tiễn sâu sắc, đồng thời nêu lên những yêu cầu quan trọng, cấp thiết đối với phong trào cách mạng nước ta. Bác đã chỉ ra nhiệm vụ của thi đua ái quốc là: “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm”. Bác chỉ rõ giặc dốt là một trong ba nhiệm vụ quan trọng của đất nước cùng với giặc đói và giặc ngoại xâm. Diệt giặc dốt là nhiệm vụ quan trọng thứ hai sau diệt giặc đói và xếp trên giặc ngoại xâm. Bác cho rằng: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau Làm cho tốt, Làm cho nhiều”. Bác tin tưởng rằng: “Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”. Và để thực hiện thắng lợi mục tiêu, Bác cũng yêu cầu: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên các mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”.

     Kể từ khi Người viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, ngày 11-6-1948 cho đến khi đi vào cõi bất tử. Người đã có hơn 40 bài nói, bài viết đề cập đến thi đua yêu nước.


Bác Hồ thăm các cụ tham gia lớp bình dân học vụ (Ảnh tư liệu)

     Trong lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công đăng trên Báo Sự Thật, số 116, ngày 01-8-1949, Người chỉ rõ: “Trong các việc thi đua ái quốc, cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính…”

     Báo Nhân Dân, số 15, ngày 05-7-1951, đã đăng bài viết của Người với bút danh C.B: “Thi đua ái quốc, hiện tại và tương lai vẻ vang của nước ta”. Mở đầu bài báo, Người viết: “Thi đua ái quốc… Tức là làm cho nhân dân no, ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập, tự do”.

     Trong thư gửi thanh niên về thi đua ái quốc, ngày 01-8-1951, Người ân cần chỉ bảo: “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua làm cho đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi…”. “Thi đua không nên thiên về một phía. Phải điều hòa 3 nhiệm vụ với nhau: gia tăng sản xuất, công việc hàng ngày và học tập (chính trị, văn hóa, tình hình trong nước và thế giới).”

     Ngày 01-5-1952, tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc, Người nhấn mạnh “Thi đua là yêu nước: Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực… Yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất…”

     Tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào thi đua ái quốc còn được thể hiện tập trung trong bài phát biểu của Người tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ hai (tháng 7 năm 1958) và tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước (tháng 12 năm 1966).


Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên cứu quốc lần II
nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm (2-11-1956) (Ảnh tư liệu)

     Hồ Chí Minh không chỉ là người khởi xướng, kiến tạo phong trào thi đua ái quốc mà cũng là người thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của phong trào thi đua, là tấm gương sáng của phong trào thi đua ái quốc Việt Nam...

     Trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước ta, Hồ Chí Minh đã đưa dân tộc Việt Nam từ nô lệ đến bến bờ độc lập - tự do. Người đã được dân tộc và thế giới công nhận là anh hùng dân tộc. Vậy mà, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá 2 (tháng 5 năm 1963), Hồ Chí Minh đã xin Quốc hội cho phép chưa nhận Huân chương sao vàng do Quốc hội có ý định tặng Người vì những công lao to lớn đối với dân tộc. Và tháng 11 năm 1967, Hồ Chí Minh đã gửi điện cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô xin tạm hoãn nhận Huân chương Lênin do Liên Xô tặng Người vì những đóng góp to lớn đối với việc xây đắp quan hệ hữu nghị Xô-Việt ở đây, thay cho những lý do chưa nhận các phần thưởng cao quý ấy ("Nước nhà chưa được thống nhất", vì "Toàn quân và toàn dân Việt Nam chúng tôi đang phải hy sinh xương máu để đánh Mỹ, cứu nước") là sự khiêm nhường tột bậc và đức hy sinh cao cả của một con người vĩ đại, bậc anh hùng huyền thoại Hồ Chí Minh, Người là tấm gương vĩ đại, trong sáng và trọn vẹn không ai sánh nổi. Hồ Chí Minh đã trở thành nhà kiến tạo, linh hồn của phong trào thi đua ái quốc Việt Nam.


Ngày 8/5/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu anh hùng CSTD
tại Đại hội Anh hùng CSTD
toàn quốc lần thứ III (Ảnh tư liệu)

Bài học:

     Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục lòng yêu nước đối với thế hệ trẻ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong bối cảnh đất nước đang bước vào hội nhập và phát triển như hiện nay, đội ngũ trí thức trẻ có năng lực chính là những chủ nhân tương lai của đất nước, những người quyết định cả vận mệnh của dân tộc. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hơn lúc nào hết, người thanh niên thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải là người có lý tưởng và đạo đức cách mạng; có lối sống văn hoá; có ý chí tự tôn, tự cường dân tộc, có trình độ học vấn, giỏi về chuyên môn, nghề nghiệp; có sức khoẻ tốt; có năng lực, tiếp cận và sáng tạo công nghệ mới, có ý chí chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  2,297,112       1/689