Kiến thức y tế học đường

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường


Thuốc lá điện tử: Chất gây nghiện cần cảnh giác

Hiện nay, không ít người trẻ cho rằng, sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) không gây hại như thuốc lá điếu. Đây là một sai lầm khi nhiều loại ma túy thế hệ mới đang được đưa vào để chế tạo loại tinh dầu sử dụng trong TLĐT, gây nguy cơ nghiện ma túy khi sử dụng loại thuốc lá này.

Thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu truyền thống đều độc hại cho sức khỏe.

(Ảnh: Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cung cấp)

Để hạn chế tình trạng người trẻ sử dụng TLĐT nhằm ngăn chặn nguy cơ nghiện các chất ma túy thế hệ mới, cần có sự phối hợp trong quản lý, giám sát từ gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng.

* Độc hại và nguy hiểm

Tuy chưa có trường hợp nào ở Đồng Nai ngộ độc bởi TLĐT, song việc sử dụng TLĐT đã xuất hiện trong giới trẻ, cá biệt một vài nhóm nhỏ học sinh trung học có sử dụng ở những quán nước bên ngoài trường học.

Bà Nguyễn Thị Dần, bán nước mía gần cổng UBND P.Tân Mai (TP.Biên Hòa) cho biết, tại quán nước của bà gần đây có vài nhóm học sinh cùng nhau hút một loại thuốc lá dài như cây bút, thở ra rất nhiều khói. Bà ngạc nhiên khi thấy thuốc lá lại không cần mồi lửa và hút hoài không hết điếu.

Hiện chưa có thống kê trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu người trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên sử dụng TLĐT. Tuy nhiên, tác hại của TLĐT thì đã được các chuyên gia y tế khẳng định là rất độc hại, mối hiểm họa gây nghiện trong giới trẻ.

Mới đây, tại hội thảo về Thực trạng sử dụng thuốc lá và tình hình triển khai các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá (do Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá thuộc Bộ Y tế tổ chức vào tháng 12-2022, tại TP.HCM), Ths-BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia phòng chống yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đều có chứa các thành phần hóa chất rất độc hại cho sức khỏe. Cụ thể, chất nicotine trong các sản phẩm này gây nghiện mạnh khiến người sử dụng phụ thuộc và làm tăng nguy cơ sử dụng các sản phẩm hoặc chất kích thích khác như: rượu, ma túy và các chất gây nghiện khác.

Chất nicotine có trong thuốc lá thế hệ mới gây ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên và làm tổn thương bào thai (chết lưu, sinh non, dị tật). Ngoài ra, trong khói thuốc lá thế hệ mới có chứa các chất gây ung thư, làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày... ở người sử dụng.

Ths-BS Nguyễn Tuấn Lâm cảnh báo, hiện nay nhiều loại TLĐT không chỉ sử dụng sử dụng các hương liệu tạo mùi thơm hấp dẫn có thể dẫn đến ngộ độc do uống nhầm mà còn pha chế một số loại ma túy thế hệ mới khiến cho người trẻ dễ nghiện các chất ma túy khác một khi đã sử dụng TLĐT. Mới đây, trường hợp nữ bệnh nhân 20 tuổi ở TP.Hà Nội nhập viện cấp cứu tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu, tổn thương não và suy đa tạng do ngộ độc một chất ma túy có trong TLĐT.

* Tăng cường tuyên truyền và giám sát

Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) vừa có khảo sát về công tác quản lý TLĐT trên địa bàn tỉnh. Kết quả khảo sát cho thấy, đến thời điểm hiện tại, do chưa có quy định, định nghĩa về TLĐT nên công tác quản lý nhà nước về TLĐT gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc tổ chức triển khai thực hiện, quản lý các hành vi liên quan đến việc mua, bán, sử dụng TLĐT mới chỉ dừng ở mức tuyên truyền, phổ biến đến người dân, cơ sở kinh doanh, chưa có quy định cụ thể việc kiểm tra, giám sát cũng như các biện pháp chế tài, xử lý các hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh TLĐT.

Để ngăn chặn tình trạng giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên hút thuốc lá điện tử, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã có kiến nghị đến Thường trực HĐND tỉnh và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện và thành phố thực hiện công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh TLĐT. Trong đó, đề nghị Sở GD-ĐT tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - đoàn thể trong việc giáo dục, phòng ngừa sử dụng TLĐT trong học sinh, sinh viên; tham mưu UBND tỉnh trong công tác quản lý học sinh, sinh viên phòng ngừa, phát hiện, xử lý việc sử dụng TLĐT.

Trao đổi về giải pháp ngăn ngừa người trẻ sử dụng TLĐT, Ths-BS  Nguyễn Tuấn Lâm cho biết, thiếu niên ở độ tuổi 13-17 đang trong giai đoạn thích khám phá nên rất dễ bị rủ rê, lôi kéo nên nguyên tắc phòng ngừa trong sử dụng chất gây nghiện là phải có sự vào cuộc của gia đình và nhà trường. Ở nhà, cha mẹ cần thực hiện giám sát các biểu hiện, quản lý các sinh hoạt của con. Ở trường, các thầy cô giáo tăng cường quản lý, giám sát học sinh; đồng thời, luôn đưa ra những cảnh báo, khuyến cáo về những nguy hiểm khi sử dụng các chất gây nghiện, trong đó có TLĐT.

Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ trong 1 năm (từ năm 2019-2020) tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi từ 13-15 hút TLĐT đã tăng 18 lần. Việc tăng cường quản lý của nhà trường và gia đình cùng sự giám sát chặt chẽ của xã hội với TLĐT sẽ giúp phát hiện sớm biểu hiện bất thường của những trẻ có sử dụng TLĐT để có các biện pháp sớm, phòng ngừa tốt hơn cho trẻ. Các bậc cha mẹ cần chú ý hơn nữa đến việc chăm sóc con em, không cho trẻ tiếp xúc gần cũng như sử dụng các chế phẩm liên quan đến TLĐT.

Theo Phương Liễu - baodongnai.com.vn

HQ-CTSV


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  941,590       1/947